Một quán cà phê mới mở ở Chicago thoạt nhìn giống nhiều quán cà phê khác ở Mỹ với nội thất bắt mắt, chỉ khác ở chỗ nơi này không có người dán mặt vào điện thoại hay laptop.
Đó là một tối thứ sáu trong quán cà phê Kibbitznest ở công viên Lincoln, Chicago, Mỹ. Khách trong quán vui vẻ trò chuyện, bên cạnh là lũ trẻ vây quanh bàn đang chú tâm vào trò chơi. Quán là một trong số ít tiệm cà phê cấm Internet để khuyến khích khách hàng trò chuyện, theo BBC.
Cảnh tượng đó hiếm thấy ngày nay, khi nhiều quán cà phê chật ních người ngồi yên lặng làm việc bên laptop. Từ những thương hiệu nổi tiếng như Starbucks hay Caffe Nero cho đến các quán cà phê nhỏ đều cung cấp wifi miễn phí, thu hút người làm nghề tự do hoặc làm việc từ xa, khiến quán giống như một văn phòng làm việc mở chứ không phải là nơi tụ tập trò chuyện cho cộng đồng.
Lo ngại trước xu hướng này, Annie Kostiner và chồng là Lewis đã mở tiệm Kibbitznest để “nâng cao ý thức về mất cất bằng giữa sử dụng thiết bị công nghệ và giao tiếp truyền thống”.
Kosstiner cho biết, khách hàng “rất vui vì bà đã mở quán này”, giúp họ có không gian tách khỏi màn hình máy tính.
Những quán cà phê không Internet bắt đầu xuất hiện khắp Mỹ, London, Vancouver như một hiệu ứng ngược của việc xã hội ngày nay dành quá nhiều thời gian vào màn hình điện tử và thiếu tương tác trực tiếp. Theo một báo cáo của Nielsen năm 2016, người trên 18 tuổi tại Mỹ bỏ hơn 10 giờ mỗi ngày vào thiết bị điện tử.
“Mọi người phát ốm vì suốt ngày nhìn vào điện thoại”, Joshua Mullenax, một khách hàng ban đầu mang theo laptop đến Kibbitznest tìm chỗ làm việc cho biết. Khi nhận ra quán cấm Internet, anh vẫn ngồi lại và mặc dù hơi bất tiện, nhưng Mullenax vẫn rất thích.
Những tiệm giống Kibbitznest tuân theo mục đích khởi đầu của quán cà phê là trở thành nơi gặp gỡ, trò chuyện và tương tác xã hội. Ban đầu, quán cà phê được gọi là “nơi thứ ba” sau nhà và công sở, nơi mọi người tìm đến để trò chuyện và dành thời gian bên bạn bè.
Nơi thứ ba
Năm 1989, Ray Oldenburg nêu thuật ngữ “nơi thứ ba” trong tác phẩm The Great Good Place. Ông đề cập tới tầm quan trọng của quán cà phê là nơi tụ họp cần thiết cho sức khỏe tinh thần của cá nhân và xã hội.
“Thiếu nơi thứ ba, con người sẽ cô đơn giữa đám đông. Hậu quả xã hội của tiến bộ công nghệ là con người ngày càng xa lánh nhau”, Olenburg viết.
Hai vợ chồng bà Jodi Whalen và ông Phil Merrick đã chứng kiến hiệu ứng này trong tiệm của mình tại thành phố Burlington, bang Vermont, Mỹ. Khách hàng vào quán, mở laptop, dán mắt hàng giờ vào màn hình.
“Trước lúc khai trương August First, chúng tôi không hề mong đợi quán lại yên tĩnh như thế cho dù có khách”, Whalen nói.
Vì vậy, năm 2012, họ ngừng cấp wifi miễn phí. Khách hàng cũng không được mang theo laptop vào quán. Mặc dù thay đổi này khiến khách hàng phàn nàn nhưng sau một thời gian, quán nhận được phản hồi tích cực. Doanh thu của quán tăng 20% so với 6% của năm trước.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có nhiều người muốn làm việc hơn là trò chuyện trong quán cà phê. Theo Global Workplace Analytics (Phân tích Công sở Toàn cầu), số người Mỹ làm việc tại gia hoặc làm việc từ xa trong quán cà phê đã tăng 103% kể từ năm 2005, đồng nghĩa với việc khoảng 3,7 triệu người dành một nửa thời gian làm việc trên mạng. Con số này không bao gồm 22% những người làm nghề tự do tại nhà.
Đây là xu hướng toàn cầu. Theo khảo sát Iposos của Reuters, trên khắp thế giới, cứ 5 người thì có một người làm việc tại gia. Hình thức làm việc này rất phổ biến tại các nước Mỹ Latin, châu Á, Trung Đông và ít phổ biến hơn ở Hungary, Đức, Thụy Điển, Pháp, Italy và Canada.
Jeff Excell, một ông chủ quán cà phê, luôn cho rằng quán là nơi để trò chuyện. Ông và vợ mở tiệm Snow Cafe ở Columbus, bang Ohio và không cung cấp wifi.
“Ngày nay, khi mà người ta chỉ việc ngồi nhà, muốn mua hàng sẽ có người giao tận cửa, thì sự cô lập xã hội chưa bao giờ dễ dàng đến thế”, Excell nói. “Vì vậy, quán cà phê phải là nơi người ta tìm đến gặp gỡ và trò chuyện với nhau”.
“Tôi muốn tạo ra một nơi đầy sức sống”, ông nói. “Khi bước vào, khách hàng phải cảm nhận đó như một buổi sum họp gia đình lớn”.
Excell và vợ thuê thợ pha chế có tính tình xởi lởi, hay bắt chuyện. Họ cũng làm quầy bar thấp để khách hàng không cảm thấy phiền khi cất tiếng hỏi. Quán thu hút nhiều đối tượng, từ sinh viên cho tới các bậc phụ huynh, trẻ nhỏ và viên chức.
“Cần có những nơi buộc người ta cách ly với công nghệ. Đó là điều cần thiết cho sự phát triển của cộng đồng”, Excell nhận định. “Trò chuyện giao lưu là điều rất thiêng liêng”.
Thời gian vô giá
Tác giả Oldenburg viết rằng, “những nơi tụ tập công chúng phi chính thức” này vô cùng quan trọng cho một nền văn minh lành mạnh. Nếu thiếu chúng, khái niệm về cộng đồng sẽ biến mất. Con người, một sinh vật mang tính cộng đồng, phải có sự tương tác và những quán cà phê cấm Internet, hay còn gọi là nơi thứ ba, có nhiệm vụ cung cấp không gian và địa điểm cho con người giao lưu trò chuyện.
Vài tháng tới, quán Kibbitznest có kế hoạch tổ chức loạt chuyên đề thảo luận do các giáo sư đại học Chicago dẫn dắt. Kostiner hy vọng sẽ mở một câu lạc bộ sách và cho thuê quán để tổ chức sự kiện trong nỗ lực xây dựng cộng đồng phi công nghệ. Ý tưởng của bà bắt đầu phát huy tác dụng.
“Đây thực sự là một trung tâm cộng đồng trong thành phố”, Raj Chopra, người đưa hai con gái là Nina và Nikki tới quán vài tuần trước nói. “Hai đứa trẻ vây quanh bàn chơi trò Clue cả buổi tối”.
“Đó là khoảng thời gian vô giá!”
Theo Vnexpress